Một nghiên cứu lớn trên quy mô toàn cầu mới được công bố gần đây vào ngày 04 tháng 09 năm 2018 trình bày một kết quả không quá ngạc nhiên nhưng khiến cả thế giới phải nhìn nhận lại vấn đề “hoạt động thể lực” một cách nghiêm túc chưa từng có. Theo kết quả nghiên cứu, trên toàn thế giới có quá nhiều người không vận động đủ, gây nguy cơ mắc các bệnh như béo phì và đái tháo đường type 2.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet Global Health cho thấy hơn một phần tư (tương đương 1,4 tỷ) người trưởng thành có nguy cơ không hoạt động thể chất đủ. Không hoạt động thể chất đủ là yếu tố nguy cơ hàng đầu đối với các bệnh không lây nhiễm (nội tiết, chuyển hóa), và có tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần và chất lượng cuộc sống của con người – những tác động này cực kỳ tốn kém cho xã hội và cho các cá nhân bị ảnh hưởng.
Hoạt động thể chất nếu được duy trì tốt sẽ đem lại rất nhiều lợi ích sức khỏe bao gồm nguy cơ thấp hơn về: bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư vú và ung thư ruột kết. Ngoài ra, hoạt động thể chất có tác động tích cực đến sức khỏe tâm thần, trì hoãn sự khởi phát của chứng mất trí, và có thể giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh.
Để ghi nhận mối liên hệ chặt chẽ giữa hoạt động thể chất và các bệnh không lây nhiễm nghiêm trọng, các nước thành viên của WHO đã đồng ý đặt mục tiêu giảm 10% mức độ tương đối với tiêu chí thiếu hoạt động thể chất vào năm 2025, và xem đây là một trong 9 mục tiêu toàn cầu để cải thiện công tác phòng chống và điều trị các bệnh không lây nhiễm. Đánh giá mức độ hoạt động thể chất hiện tại và xu hướng thiếu hoạt động thể chất là điều cần thiết để theo dõi tiến độ hướng tới mục tiêu toàn cầu này, và còn để xác định các nhóm có nguy cơ cao, đánh giá hiệu quả của chính sách và lập kế hoạch cho các chính sách và chương trình trong tương lai.
Việc thu thập dữ liệu các quốc gia đầu tiên cho mục tiêu này đã được thực hiện vào đầu những năm 2000, như một phần của nghiên cứu “Gánh nặng bệnh tật toàn cầu.” Các dữ liệu được thu thập bắt đầu từ dữ liệu hoạt động thể chất của 34 quốc gia có thu nhập cao, chủ yếu tập trung vào hoạt động thể lực trong thời gian rảnh rỗi. Hoạt động được thực hiện trong các lĩnh vực khác (hoạt động tại nơi làm việc, trong hộ gia đình, và trong khi tham gia giao thông) được ước tính cho hầu hết các quốc gia, để có được kết quả toàn diện và có thể so sánh. Sau đó, hai bảng câu hỏi bao gồm tất cả các lĩnh vực hoạt động đã được phát triển: “Bảng câu hỏi hoạt động thể chất quốc tế” và “Bảng câu hỏi hoạt động thể chất toàn cầu”. Các nhà khoa học đã cập nhật các ước tính của các quốc gia, khu vực và toàn cầu về tỷ lệ người trưởng thành không hoạt động thể chất đủ với dữ liệu mới và phương pháp mới, và lần đầu tiên đưa ra được các tính toán về xu hướng toàn cầu và khu vực từ năm 2001 đến năm 2016.
Nghiên cứu xét tiêu chí không hoạt động thể chất đủ ở những người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên, ở 168 quốc gia, trong ba nhóm thu nhập theo phân chia của Ngân hàng Thế giới (World Bank), và trên quy mô toàn cầu trong giai đoạn 2001–2016. Không hoạt động thể chất đủ được xác định là người trưởng thành không đáp ứng khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO) về hoạt động thể chất cho sức khỏe – tức là ít nhất 150 phút hoạt động thể lực cường độ vừa phải hoặc 75 phút hoạt động thể lực cường độ cao mỗi tuần hoặc kết hợp tương đương của hai tiêu chí. Kết quả phân tích cuối cùng được dựa trên 358 cuộc điều tra dân số được thực hiện từ năm 2001 đến năm 2016, với 1,9 triệu người tham gia từ 168 quốc gia, đại diện cho 96% dân số thế giới.
Kết quả cho thấy, trên quy mô toàn cầu, hơn một phần tư người trưởng thành (27,5%) không hoạt động thể chất đủ trong năm 2016. Từ năm 2001 đến năm 2016, mức độ không hoạt động thể chất đủ chỉ giảm nhẹ và không đáng kể, với tỷ lệ 28,5% vào năm 2001. Phụ nữ ít hoạt động thể lực hơn nam giới, với sự khác biệt về tỷ lệ 6% giữa các giới tính trong năm 2001, và hơn 8% trong năm 2016. Tỷ lệ không hoạt động thể chất đủ dao động từ 16,3% ở Châu Đại Dương đến 39,1% ở Mỹ Latinh và Caribe vào năm 2016. Giữa năm 2001 và 2016, tỷ lệ không hoạt động thể chất tăng hơn 5% ở các nước phương Tây có thu nhập cao, ở Mỹ Latinh và Caribe, trong khi Đông Á và Đông Nam Á giảm hơn 5%. Mức độ không hoạt động thể chất đủ ở nam giới thấp nhất trong năm 2016 là ở Châu Đại Dương, Đông Á và Đông Nam Á, và châu Phi cận Sahara.
Tỷ lệ thiếu hoạt động thể chất ở các nước có thu nhập cao gấp đôi tỷ lệ này ở các nước có thu nhập thấp trong năm 2016. Tỷ lệ này tăng theo thời gian ở các nước có thu nhập cao, từ 31,6% vào năm 2001, lên 36,8% vào năm 2016, trong khi nó ổn định ở các nước thu nhập thấp, ở mức 16,0% vào năm 2001 và 16,2% vào năm 2016. Trong 55 quốc gia trên tổng số 168 quốc gia (32,7%), hơn một phần ba dân số không hoạt động thể chất đủ. Trong số 65 quốc gia có dữ liệu về xu hướng theo thời gian, 28 quốc gia có xu hướng giảm mức độ không hoạt động thể chất đủ, trong khi 37 quốc gia có xu hướng tăng. Sự thay đổi trung bình trên tất cả 65 quốc gia nhỏ hơn 0,01%.
Ở các nước có thu nhập cao, người dân thường có xu hướng tập trung vào các nghề nghiệp ít vận động và sử dụng nhiều phương tiện di chuyển cơ giới cá nhân giải thích cho mức hoạt động thể chất thấp hơn. Ngược lại, ở các nước có thu nhập thấp hơn, nhiều hoạt động thể chất được thực hiện đan xen trong giờ làm việc và di chuyển. Tuy nhiên, xu hướng này cũng thay đổi nhanh chóng. Chính sách quốc gia cũng ảnh hưởng tới mức độ hoạt động thể chất của người dân. Các chính sách khuyến khích các phương tiện vận tải phi cơ giới như đi bộ và đi xe đạp, khuyến khích các hoạt động giải trí và thể thao trong thời gian rảnh rỗi đặc biệt quan trọng ở các nước có tốc độ đô thị hóa nhanh như Argentina, Brazil và Colombia vốn là những nước đứng đầu trong mức độ hoạt động thể chất thấp ở châu Mỹ Latinh và Caribe. Thực tế là hoạt động thể chất thay đổi rất lớn giữa các quốc gia, ngay cả trong khu vực, cho thấy rằng các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ hoạt động thể chất chủ yếu ở cấp quốc gia, hoặc cộng đồng, là nơi cần có chính sách phù hợp để tăng hoạt động thể chất. Các chính sách này bao gồm cải thiện cơ sở hạ tầng cho đi xe đạp và đi bộ, cải thiện an toàn giao thông và khuyến khích các hoạt động thể chất trong không gian mở công cộng, công viên, nơi làm việc và các trung tâm văn hóa cộng đồng khác.
Nghiên cứu khẳng định mức độ hoạt động thể chất ở phụ nữ thấp hơn ở nam giới, trong đó sự khác biệt lớn nhất đến từ các nước Nam Á và Trung Á; Trung Đông và Bắc Phi. Một cách để giải thích sự khác biệt giới tính trong hoạt động thể chất là đánh giá sự tham gia của nam và nữ trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau (hoạt động tại nơi làm việc hoặc trong gia đình, di chuyển, và trong thời gian giải trí), và ở cường độ khác nhau (trung bình và mạnh). Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng phụ nữ có xu hướng ít tham gia hoạt động giải trí hơn, và hoạt động cường độ thấp hơn so với nam giới. Tạo điều kiện phát triển các hoạt động giải trí an toàn và dễ tiếp cận cho phụ nữ nhằm tăng mức độ hoạt động tổng thể của họ sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giới và góp phần đạt mục tiêu hoạt động thể chất toàn cầu 2025. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn văn hóa, vị thế truyền thống hoặc thiếu hỗ trợ xã hội và cộng đồng cũng hạn chế sự tham gia hoạt động thể chất của phụ nữ và trẻ em gái. Hiểu và giải quyết các rào cản này là yếu tố cần thiết trong việc lập kế hoạch và xây dựng các chương trình phù hợp với văn hóa khu vực để hỗ trợ thay đổi hành vi.
Đây là nghiên cứu đầu tiên đánh giá xu hướng không hoạt động thể chất đủ theo thời gian. Tỷ lệ không hoạt động thể chất toàn cầu ổn định từ năm 2001 đến năm 2016, cho thấy không có nhiều tiến bộ trong việc cải thiện mức độ hoạt động thể chất toàn cầu để đạt được mục tiêu hoạt động thể chất toàn cầu năm 2025. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thấy có sự thay đổi lớn về xu hướng không hoạt động thể chất giữa các vùng, các nhóm thu nhập và các quốc gia. Sự giảm lớn nhất về tỷ lệ hoạt động thể chất xảy ra ở các nước thu nhập cao, trong khi hoạt động thể chất tăng lên lớn nhất ở phía các nước Đông Á và Đông Nam Á. Sự cải thiện này, phần lớn được giải thích bằng sự tăng cường sự tham gia vào hoạt động thể chất ở Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất trong khu vực. Hoạt động thể chất trong thời gian giải trí ở Trung Quốc đã tăng lên, điều này đến từ sự tăng cường sử dụng công viên và hoạt động thể chất gia tăng trong dân số già đang tăng nhanh của Trung Quốc. Sự thiếu tiến bộ ở các khu vực khác có thể được giải thích bởi thực tế: mặc dù hơn 70% các quốc gia có chính sách khuyến khích hoạt động thể chất, tuy nhiên quy mô và phạm vi thực hiện của nó vẫn chưa đủ hiệu quả để tác động tới cấp quốc gia.
Nghiên cứu cũng còn một số hạn chế giống như các phân tích toàn cầu khác: dữ liệu vẫn còn thiếu ở một số quốc gia và không đầy đủ ở tất cả mọi năm, chất lượng dữ liệu đôi khi cũng khác nhau giữa các quốc gia và các năm, một số dữ liệu còn giới hạn trong các báo cáo tự thiết kế nên chưa đủ tính khách quan, và do các tiêu chí khác nhau và sự chuẩn hóa mang tính toàn cầu nên trong một số trường hợp, ước tính tỷ lệ trong nghiên cứu có sai lệch so với tự ước tính của quốc gia.
Nghiên cứu đưa ra bàn luận về tiến trình hướng tới mục tiêu toàn cầu được các quốc gia thành viên của WHO đặt ra: giảm mức độ hoạt động thể chất xuống 10% vào năm 2025 là “quá chậm và không đúng lộ trình.” Chỉ số không hoạt động thể chất đủ vẫn ở mức đặc biệt cao và vẫn tăng ở các nước có thu nhập cao. Trên quy mô toàn cầu, phụ nữ vẫn ít hoạt động hơn nam giới. Sự gia tăng một cách đáng kể trong hoạt động thể chất ở mức độ quốc gia là rất cần thiết ở hầu hết các nước thông qua tăng cường thực hiện các chính sách một cách hiệu quả. Kế hoạch hành động toàn cầu về hoạt động thể chất 2018–2030, là một chất xúc tác mới và cung cấp 20 chính sách tùy chọn cụ thể nhắm tới các mục tiêu đã thiết lập và các mô hình dân số khác nhau có thể được điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh địa phương ở tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, việc thực hiện sẽ đòi hỏi sự lãnh đạo táo bạo và sự tham gia đầy đủ giữa các ngành để thay đổi cách tiếp cận hiện tại. Sự hợp tác giữa các ngành có thể tạo ra hiệu quả đáng kể, bởi vì các chính sách hỗ trợ tăng cường hoạt động thể chất có thể mang lại lợi ích khác ngoài sức khỏe như: kinh tế, an sinh cộng đồng, bền vững về môi trường và góp phần đạt được nhiều “Mục tiêu Phát triển Bền vững 2030”.
Với quy mô và ý nghĩa quan trọng, nghiên cứu này sẽ thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ từ các công ty dược phẩm lớn, đặc biệt là các công ty vốn đang tìm cách giải quyết các bệnh liên quan đến đái tháo đường và béo phì, thông qua không chỉ cung ứng thuốc mà còn thông qua các chính sách cộng tác với chính phủ vì mục tiêu giảm tỷ lệ mắc bệnh.
Đi đầu trong những hoạt động này là các hãng dược phẩm Novo Nordisk và AstraZeneca đang tích cực vận động để hỗ trợ chính phủ các nước cân nhắc về các chính sách khuyến khích người dân “vận động” nhiều hơn, và giảm chỉ số béo phì trong xã hội.
Với mạng lưới chuyên gia và nhân viên về bệnh đái tháo đường rộng khắp ở các nước trên thế giới, các công ty dược phẩm lớn đã nhận ra cơ hội tiếp cận với các hệ thống y tế bằng cách sử dụng các chương trình xã hội của công ty nhằm giải quyết các vấn đề được nêu trong nghiên cứu.
Chẳng hạn, hãng dược phẩm Novo Nordisk đã xây dựng một chương trình mang tên “Thành phố thay đổi bệnh đái tháo đường” nhằm mục đích cụ thể: giải quyết vấn đề “bệnh đái tháo đường đô thị.” Dự án bao gồm thu thập dữ liệu định tính và định lượng để giúp mọi người hiểu rõ hơn về vấn đề và các yếu tố góp phần làm trầm trọng hơn bệnh đái tháo đường. Dự án này cũng đã xây dựng được một mạng lưới các đối tác trên toàn thế giới, bao gồm các lãnh đạo các thành phố lớn, chính quyền thành phố, học viện, hiệp hội đái tháo đường, cơ quan bảo hiểm y tế, các trung tâm cộng đồng và các tập đoàn. Cho đến nay đã có sự kết nối của 16 thành phố lớn trên toàn thế giới, đại diện cho 100 triệu công dân, trong đó có Beirut, Copenhagen, Leicester và Thượng Hải. Dự án được thúc đẩy bởi nhận thức: “bệnh đái tháo đường sẽ trở nên tồi tệ hơn trừ khi chúng ta hành động ngay lập tức.”
Một “Hội nghị Thượng đỉnh các thành phố chung tay thay đổi bệnh đái tháo đường” trong khuôn khổ dự án đã được tổ chức vào năm ngoái, nhằm mục đích kêu gọi sự hợp tác làm việc giữa các ban ngành để đoàn kết họ nhằm giải quyết vấn đề chung.
Dự án cũng đã cung cấp các công cụ cho các nhà hoạch định chính sách để giải quyết vấn đề, bao gồm các công cụ đánh giá tổn thương bệnh đái tháo đường và các hướng dẫn cải thiện cuộc sống lành mạnh. Theo mô hình này, để đạt được tỷ lệ tăng vận động thể chất ở mức 10%, thế giới phải đặt mục tiêu giảm béo phì xuống 25% vào năm 2045.
Hãng dược phẩm AstraZeneca cũng có những hoạt động tích cực trong lĩnh vực này: nhiều năm đồng hành cùng chương trình “Hành động vì đái tháo đường” và tham gia “Diễn đàn chính sách đái tháo đường toàn cầu” tại Rome, Ý tháng 10 năm ngoái. Năm nay là năm thứ ba sự kiện này được tiến hành. Sự kiện này đã tập hợp hơn 100 chuyên gia hàng đầu thế giới về chăm sóc đái tháo đường type 2 để thảo luận về thực hành tốt nhất trong việc hoạch định chính sách.
Được truyền cảm hứng và tài trợ bởi hãng dược phẩm AstraZeneca, chương trình này được phối hợp hoạt động với Liên đoàn đái tháo đường thế giới (Internatioinal Diabetes Federation-IDF), Liên đoàn tim mạch thế giới (World Heart Federation-WHF), Tổ chức chăm sóc đái tháo đường châu âu (Primary Care Diabetes Europe), cùng với nhiều tổ chức khác. Dự án này của AstraZeneca nhằm mục đích chứng minh mối liên hệ giữa trao đổi chất, bệnh tim mạch, thận và các chính sách đối phó với các bệnh này một cách toàn diện.
Hãng dược phẩm Eli Lilly cũng được biết đến với các ảnh hưởng trong lĩnh vực đái tháo đường, và đã đưa ra “Hợp tác bệnh không lây nhiễm” với một mục đích tương tự. Dự án này có ba mục tiêu – thử nghiệm các phương pháp tiếp cận mới để tăng cường chăm sóc bệnh đái tháo đường, ủng hộ các chính phủ để quản lý bệnh tốt hơn, và tăng cường sử dụng thích hợp và tuân thủ với các loại thuốc để cải thiện hiệu quả.
Ngoài ra nhiều hãng dược phẩm khác, cũng như các công ty dược phẩm có trụ sở tại các nước vẫn luôn nỗ lực kết hợp với các tổ chức y tế và nhân viên y tế khu vực và toàn cầu trong việc nâng cao kiến thức chuyên môn, hỗ trợ điều trị, và góp phần kết nối với bệnh nhân tốt hơn trong các bệnh liên quan đến vận động và chuyển hóa. Rất nhiều các câu lạc bộ sức khỏe, câu lạc bộ dinh dưỡng, câu lạc bộ đái tháo đường và các bệnh chuyển hóa, … được phối hợp thành lập và hoạt động, đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân và xã hội. Các công ty dược cũng đóng góp trong các hoạt động thể chất phi lợi nhuận nhằm mục đích cải thiện hiểu biết về dinh dưỡng và vận động cho cộng đồng. Quy mô của các hoạt động có thể khác nhau, nhưng hiệu quả của các hoạt động này là vấn đề không thể bàn cãi. Và sự nỗ lực của ngành dược trong nâng cao nhận thức về vấn đề này và kết nối các bên liên quan cùng hướng tới mục tiêu chung: tăng mức vận động thể chất, giảm tỷ lệ béo phì và các bệnh liên quan, cải thiện chất lượng cuộc sống là một ví dụ điển hình về sự hỗ trợ của cách ngành trong vấn nạn toàn cầu này.
(Theo namudinsider.com)